Ở miền Nam khi mùa khô đến là thời tiết thuận lợi để thi công xây dựng hạ tầng điện, nước. Hiện tại khu vực Bình Dương đang có rất nhiều dự án thi công hệ thống thoát nước, bên cạnh đó thì do nhu cầu nhà ở cho công nhân tăng cao việc thoát nước thải hay bể phốt tiêu phân là vấn đề thiết yếu từ đó nhiều người đã mua một vài ống cống về làm hệ thống thoát nước. Nhu cầu càng nhiều, công việc của người làm nghề đúc ống cống càng thêm thuận lợi.
 
Anh Hoàng Văn Hà tất bật với công việc của mình.
 

Chỉ cần số vốn kha khá, thêm quyết tâm và sự yêu thích lao động, những người theo nghề đúc đóng cọc bê tông dễ dàng kiếm được thu nhập cao và ổn định từ một công việc bình thường…

* “Sốt” hàng nhờ mưa

Tranh thủ lúc trời chưa mưa, anh Hoàng Văn Hà (36 tuổi, chủ cơ sở sản xuất bê tông gia đình ở xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) cùng nhóm người làm công tất bật tháo bạt, mở khuôn đúc bê tông ra phơi nắng. Trước đây, anh Hà làm thợ xây. Những năm gần đây, nhận thấy nhu cầu mua các trụ đóng cừ bê tông, tấm đan, ống cống… của người dân khá cao, anh đã chuyển nghề đúc bê tông để bán. “Học nghề chỉ mất vài ngày thôi, quan trọng nhất là khâu nén bê tông, phải nén sao cho thật đều để cống không bị lõm, tránh chỗ có chỗ không” - anh Hà cho biết.

Mưa nhiều nên những người làm nghề như anh Hà làm việc bất kể thời gian. Thậm chí, những hôm mưa lớn, anh phải căng bạt để làm cho kịp đơn đặt hàng. Ở đây như một công trình xây dựng thu nhỏ, chỗ đang dựng khung trụ, nơi trộn hồ, lại có nơi đang bồi thêm xi măng ở vỏ cống cho khâu hoàn thiện cuối cùng… Công việc cứ đều đặn diễn ra, thi thoảng anh và nhóm thợ mới ngơi tay.

Tò mò muốn tìm hiểu “công nghệ” đúc ống cống, chúng tôi nhờ anh Hà giới thiệu nơi anh sản xuất sản phẩm. Đưa chúng tôi đi vòng ra sau nhà, anh Hà chỉ nơi làm việc thường ngày là khoảng sân tráng xi măng sạch sẽ, có những ống cống đang làm dang dở. Rướn người đổ từng mẻ bê tông vào khuôn, anh Hà nói: “Vật liệu gồm có xi măng, cát vàng, sắt và đá dăm, nên chi phí không cao, dễ tìm. Thời gian này, tôi đang tất bật làm thêm nhiều sản phẩm dự trữ, chuẩn bị sẵn để bước vào thời điểm mưa nhiều cung cấp cho thị trường”.

Bén duyên với nghề đúc ống cống gần 2 năm nay, anh Ngô Tuấn (40 tuổi, ngụ xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) đã khá lên nhờ công việc này. Từ một điểm đúc cống nhỏ, hàng làm ra vài tháng mới tiêu thụ hết, đến nay số cống đúc ra mỗi ngày ở cơ sở anh trên dưới trăm ống, cống khô đến đâu khách cho xe bốc đến đó, hàng không kịp bán. “Đúc cống theo khuôn có sẵn thì dễ, ai cũng có thể làm được. Nó dễ hơn gấp vạn lần đúc chậu cây cảnh, nhưng sức mình bỏ ra nhiều hơn. Mỗi cống nặng vài tạ, một người khiêng, di chuyển sao nổi” - anh Tuấn bảy tỏ.

Hiện tại, sản phẩm do anh Tuấn làm ra cung cấp cho các chủ thầu xây dựng nhà cửa, công trình đường xá, nhưng chủ yếu vẫn được bán lẻ cho các hộ gia đình ở địa phương. Lý giải điều này, anh Tuấn buông lời: “Cống có chiều dài từ 0,8-1,2m nên thích hợp cho việc xây cống rãnh thoát nước cho các gia đình. Mưa về, nước chậm lưu thông nên đường ngập. Ở nông thôn, nhiều nhà sắm sẵn vài cái cống, để khi làm đường chôn vào tạo dòng chảy…”.

* Sống khỏe với nghề

Anh Tuấn cho biết, với nhiều người, nghề đúc bê tông, như: ống cống, trụ trồng thanh long, tấm đan… là công việc tầm thường. Nhưng từ khi cơ sở của anh Tuấn hình thành, đã đã góp phần giải quyết việc làm cho một số thanh niên địa phương. “Ban đầu, chỉ có mình tôi làm. Nhưng nhu cầu quá lớn, thành ra phải thuê người làm phụ. Thanh niên trong độ tuổi lao động nhưng không thích đi làm công ty ở đây nhiều lắm. Lúc đầu vận động ai cũng từ chối, nhưng khi có một người vào làm, mỗi ngày kiếm 200 ngàn đồng, vậy là bọn trẻ đồng ý và đến nay tôi có 5 người làm phụ. Có người làm, tôi chỉ việc lo đi tìm đầu ra thôi” - anh Tuấn bộc bạch.

Anh Bình (26 tuổi), người làm công cho anh Tuấn, cho hay: “Thấy tôi không có việc làm, anh Tuấn đến kêu làm phụ anh. Làm ở đây gần nhà, tiện đi về, trời mưa thì căng bạt làm. Nói chung, ít có thời gian nghỉ, nhưng công việc cũng chẳng nặng nhọc gì. Hiện mỗi tháng tôi được trả lương hơn 5 triệu đồng”.

Chủ các cơ sở đúc đóng cừ bê tông thường thực hiện việc khoán công trên từng sản phẩm, trung bình mỗi ngày một thợ làm được 10-15 ống cống, tùy vào tay nghề và sức khỏe. Theo đó, mỗi người có thu nhập từ 200-300 ngàn đồng/ngày. Nếu so với công khác liên quan đến xây dựng, như: phụ hồ, thợ xây, thì thợ đúc bê tông có vẻ kiếm được nhiều tiền hơn.
 

Nghề đúc ống cống đem lại thu nhập cao cho người lao động.
 

Anh Ngọc (30 tuổi) đưa gia đình lập nghiệp tại Trảng Bom đã lâu, nhưng từ khi bước vào nghề đúc bê tông, anh mới kiếm được thu nhập ổn định, có hôm anh làm được hơn 300 ngàn đồng/ngày. “Nhìn bên ngoài, thấy công việc này rất dễ dàng, nhưng khi mới làm, tôi cũng làm lỗi vài cái. Dù không còn làm thợ, nhưng anh Tuấn luôn kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình chúng tôi làm việc. Anh săm soi bề mặt bê tông của cấu kiện, ống cống…, thấy sai là bảo chúng tôi sửa ngay” - anh Ngọc nói.

Cách đây hơn một năm, khi phong trào trồng thanh long ruột đỏ bắt đầu nở rộ ở huyện Trảng Bom, nhu cầu mua trụ bê tông để trồng thanh long vì thế tăng mạnh. Nắm được nhu cầu đó, anh Tuấn nghiên cứu cách làm, ghép sắt “chế” khuôn đúc đóng cọc trụ bê tông. Thông thường, mỗi khách hàng đặt từ vài chục đến vài trăm trụ, nhiều thì hơn 1 ngàn trụ, như ông Ngọ (một hộ trồng thanh long ruột đỏ lớn ở xã Sông Trầu). Tính theo giá, mỗi trụ từ 50-70 ngàn đồng, trừ hết chi phí, anh thu về 1/3 số tiền bỏ ra. “Trong tương lai, nếu nghề này tiếp tục ổn định, tôi sẽ nghiên cứu để sản xuất ra nhiều sản phẩm khác từ các khối bê tông. Tôi đang ấp ủ mở rộng cơ sở sản xuất. Nếu điều kiện cho phép, tôi sẽ mua máy móc đúc những ống cống ly tâm bán cho các công trình lớn” - anh Tuấn cho hay.

Nghe chuyện như đùa, nhưng từ công việc bình thường này mà nhiều người như anh Hà, anh Tuấn đã trở thành những người biết kiếm ra tiền, thu hút thêm nhiều lao động địa phương. Với họ, nghề đúc bê tông không đòi hỏi nhiều yếu tố kỹ thuật, nhưng rất cần sự cẩn thận, khéo léo. Sản phẩm làm ra phải là thứ hữu hiệu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.